A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm đến trường của học sinh vùng lũ đầu nguồn

Một năm học mới 2018-2019 lại về với học sinh huyện đầu nguồn biên giới An Phú. Năm học này, lũ lớn hơn các năm trước, đặc thù là huyện đầu nguồn biên giới, ngoài tập trung cho công tác chuyên môn giảng dạy, thầy và trò vùng lũ còn có nhiều bộn bề, lo toan cho công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, thấu hiểu được sự khó nhọc đó, các em càng cố gắng quyết tâm đến trường và học tập thật giỏi, để không phụ lòng thầy cô và chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để các em được đến trường trong mùa lũ.

Hình ảnh đưa rước học sinh tại trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông

Theo thống kê phòng GDĐT huyện, năm học 2018- 2019 toàn huyện có 64 điểm trường với 4 cấp học (Mầm non - Mẫu giáo, Tiểu học, THCS và THPT) với tổng số hơn 43 ngàn học sinh. Trong đó, có 6 điểm trường (Mẫu Giáo, Tiểu học, THCS) với hơn 400 học sinh trong vùng ngập lũ, thuộc 3 xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu và xã Vĩnh Hội Đông, các đoạn lộ giao thông từ nhà đến trường đã bị nước ngập sâu, các em không thể đến trường bằng xe đạp và để tạo điều kiện cho các em được đến trường, nhà trường đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức đưa rước học sinh. Ghi nhận tại xã Vĩnh Hội Đông, là một xã biên giới, hàng năm khi nước lũ tràn về, cùng với việc cung cấp phù sa cho đất và tạo điều kiện cho người dân mưu sinh trong mùa lũ, thì mỗi khi lũ về còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại học hành của con em, đặc biệt, tại điểm trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông, các đoạn giao thông liên ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An, nước lũ ngập sâu trở ngại lớn cho việc đến trường của học sinh tại đây. Để chủ động ứng phó tình hình bão lũ hàng năm và đảm bảo tính mạng cho các em học sinh đến trường trong mùa lũ, UBND xã Vĩnh Hội Đông đã xây dựng kế hoạch tổ chức đưa rước học sinh trên địa bàn. Ông Huỳnh Công Phương, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông cho biết: “Năm nay tình hình nước lũ lên nhanh và diễn biến phức tạp, đến cuối tháng 8 các đoạn lộ giao thông liên ấp Vĩnh An và Vĩnh Hòa nước đã ngập sâu, học sinh không thể tự đi lại bằng phương tiện xe đạp. Trước tình hình đó, UBND xã Phối hợp Ban giám hiệu trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông, tổ chức 5 tuyến đưa rước học sinh đến trường, kinh phí từ nguồn xã hội hóa của địa phương, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và hạn chế thấp nhất số học sinh phải nghĩ học do lũ. Đến nay,việc chủ động đưa đón học sinh trong mùa lũ trên địa bàn xã đã đi vào ổn định”.

Năm học 2018-2019, Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông có tổng số 552 học sinh với 19 lớp (tăng 1 lớp so cùng kỳ năm học 2017-2018), trong đó có 151 học sinh thuộc địa bàn 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An cần phải tổ chức đưa rước. Qua đó, Nhà trường đã tham mưu UBND xã Vĩnh Hội Đông, tổ chức các tuyến đưa rước học sinh trong mùa lũ, phương tiện đưa rước là những chiếc vỏ lãi, được trang bị sẵn áo phao. Thầy Nguyễn Minh Tâm, Phó hiệu trưởng, trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông cho biết: “Để đảm bảo an toàn cũng như giờ giấc trong học tập và chuyên cẩn của các em thuộc diện cần phải đưa rước đến trường, Nhà trường đã chủ động tổ chức thực hiện tốt các khâu như nắm chắc và giám sát danh sách các em cần được đưa rước, chọn những người đưa rước có tâm huyết và kinh nghiệm trong việc lái vỏ lãi trên sông nước. Đặc biệt, nhà trường còn quan tâm, trong quá trình đưa rước học sinh, khi có mưa, giông lớn thất thường xảy ra, nhà trường chỉ đạo các tuyến tạm hoãn cho đến khi cơn mưa, giông đi qua, các chủ vỏ lãi mới tiếp tục quá trình đưa rước, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của các em học sinh”.

Hình ảnh các em học sinh mặc áo phao, ngồi trên vỏ lãi phương tiện chính đưa rước học sinh trong mùa lũ

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và Ban giám hiệu trường, thì hơn ai hết, bản thân các em học sinh cũng không ngừng nỗ lực quyết tâm học tập: em Nguyễn Thị Thùy Trâm học sinh lớp 5A trường Tiểu học B Vĩnh Hội Đông i: “Quê em hàng năm đều có mùa nước lũ, đoạn đường đến trường bị nước ngập sâu, chúng em không thể tự đi học bằng xe đạp, nhà trường đã tổ chức đưa rước chúng em đến trường an toàn và các thầy cô còn trang bị áo phao cho chúng em. Từ đó, em quyết tâm đến trường và cố gắng học tập thật giỏi để đền đáp công ơn dạy dỗ, chăm sóc của thầy cô đối với chúng em. Ngoài ra, để không làm thầy cô và gia đình lo lắng em còn cố gắng học bơi để tự bảo vệ cho mình”. 

Hành trình tìm đến tương lai, trên con đường học vấn còn đang ở phía trước tuy còn lắm gian nan đối với học sinh vùng lũ đầu nguồn, nhưng tin rằng, cùng với sự nỗ lực chung tay của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, sẽ là nguồn động lực lớn chấp cánh cho những ước mơ của các em được bay cao, bay xa./.

Huỳnh Như


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết